Vài nét về cuộc viếng thăm Viện dưỡng lão Mekong


Trong một dịp Sinh nhật của chị Hạnh, tôi được quen với chị Vân, người làm việc tại viện dưỡng lão Mekong. Khi nghe chị Vân trình bày nổi cô đơn của các vị trong viện không có con cái đến thăm viếng làm tôi thương cảm. Nên hôm nay tôi rủ chị Hạnh dành chút thời gian rãnh rỗi để thăm các vị.

Viện dưỡng lão Mekong dành riêng cho người Việt Nam nằm trong một khu nhà mới thật yên tĩnh, ngăn nắp và dể thương, ngoài ngoại ô Melbourne. Có bãi đậu xe rộng rãi và cửa ra vào có khoá thật an toàn. Hai chị em khệ nệ xách mấy túi trái cây tặng cho mấy bác, gió thổi tung tóc như giật ngược cả người chúng tôi lại. Khí hậu Melbourne thật lạ lùng, sáng lạnh, trưa nóng mà gió như bão, mọi người nói Melbourne có bốn mùa, qủa không sai!

Chị Hạnh vừa bấm chuông vừa nói:

-       Mình mua trái cây bác nào cũng ăn được, chứ bánh thì có bác phải bị kiêng cữ.

Tôi gật đầu đồng ý với sự khéo nghĩ của chị Hạnh và thầm cám ơn sự nhắc nhỡ của chị khi tôi hỏi ý kiến chị cần phải mua gì biếu mấy bác. 

Phía trước phòng đợi tôi tò mò nhìn quanh, trên tường đầy những hình ảnh sinh hoạt của viện thật vui nhộn. Nhưng không khí nơi đây thật vắng lặng, lòng tôi bỗng chùng xuống.

Chị Vân đi ra reo vui, tràn đầy sức sống với khuôn mặt thật nhân hậu. Chúng tôi trao mấy túi trái cây cho chị

-       Vậy là trưa nay các cụ sẽ không ăn bánh bông lan, mà sẽ được thay thế bằng trái cây. Để chị đưa vào nhà bếp để họ cắt ra dọn lên cho các cụ vào giờ ăn tráng miệng.

Chị dẫn chúng tôi vào nhà bếp, vừa đi vừa giải thích rằng các cụ không thể tự xài dao một mình vì sợ tai nạn. Trong viện mọi việc đều được coi sóc và chăm lo cẩn thận cho các cụ. Vào bếp chị giới thiệu chúng tôi với hai chị làm việc trong nhà bếp. Các chị vui vẻ hỏi tên chúng tôi và thay mặt các cụ cám ơn và nói đến giờ sẽ mang trái cây lên cho các cụ dùng. Gương mặt của chị nào cũng vui vẻ và đầy nhân ái, khiến tôi cảm thấy rất dể chịu.

Chị Vân đưa chúng tôi đến phòng ăn. Các cụ đang xoay quanh hai cái bàn dài, vẻ mặt nhìn phấn khởi và nôn nóng. Chúng tôi gật đầu chào các bác khi chị Vân giới thiệu, các bác gật gật rồi vội vàng nhìn xuống các tờ lô tô trên bàn với sự háo hức thật trẻ thơ. Mỗi tuần hai lần các bác được chơi lô tô và xen lẫn những sinh hoạt khác, nên các bác rất thích thú và say mê trong cái thú tiêu khiển của ba ngày Tết như lúc xưa. Mười mấy cái đầu bạc phơ chụm lại nghe ngóng từng con số từ cái miệng xinh xắn, lanh lợi với mái tóc đen mướt và hai mắt long lanh của cô gái đang sinh hoạt cùng các bác. Tôi đứng nhìn những gương mặt vô tư của các bác mà lòng thấy vui vui nhưng nao nao nhớ ba mẹ đang lủi thủi trong căn nhà rộng lớn không con cái bên cạnh. May mắn hơn các bác là ba mẹ tôi tuy ngoài tám mươi nhưng còn mạnh khỏe và tự chăm sóc được.

Chị Vân dắt chúng tôi đi xem các phòng riêng của các bác. Viện được chia làm ba khu: Sơn Ca, Họa Mi và Hoàng Oanh, tên của các loại chim, nghe thật dể thương và sống động. Mỗi khu đều có một mảnh vườn nho nhỏ xinh xắn, có dựng những ngôi Chùa, nhà thờ Công Gíao, nhà thờ Tin Lành nho nhỏ để cuối tuần các Tôn Giáo thay nhau vào sinh hoạt với các bác. Thật chu đáo và tỉ mỉ. Trong viện đang có ba mươi vị, cứ mỗi hai phòng là có một phòng tắm, một bên là phòng nam và đối diện là phòng nữ. Trên mỗi cửa phòng đều có ghi rõ tên họ của các vị.

Chị Vân giải thích sau giờ trưa là có giờ sinh hoạt như lúc nãy chúng tôi đã thấy. Nhưng có người thì muốn nghỉ ngơi, tắm rửa hay làm việc riêng trong phòng. Chúng tôi chào hỏi bác Lộc từ phòng tắm đi ra, trông bác khỏe mạnh và tươi tắn . Bác cám ơn với nụ cười cảm kích khi chị Vân giới thiệu chúng tôi vào thăm viếng và mang trái cây cho các cụ .

Ngang qua một căn phòng tôi nhìn lên thấy tên thật đẹp: Thúy Diệp, chị Vân gõ cửa đưa chúng tôi vào giới thiệu. Trong phòng ánh đèn mờ mờ, một người đàn bà mái tóc ngắn ngang vai, mang đôi kiếng trệ xuống mũi ngẩn lên. Vì ánh sáng thay đổi, chưa kịp nhận diện nhưng theo thói quen tôi chào bác. Bỗng gương mặt ngại ngùng, bẽn lẽn ngẩn lên làm tôi bối rối. Chị còn trẻ, trẻ lắm, gưong mặt tròn hiền hậu, ẩn sau đôi mắt buồn vời vợi. Chị là Thi sĩ có bút hiệu trước kia là Lệ Hằng, thường hay bị nhầm lẫn với Nữ sĩ Lệ Hằng nên nay đổi bút hiệu là Bất Hạnh. Nghe bút hiệu là tôi thấy bồi hồi thương cảm nên xin chị cho tôi được đọc một bài thơ của chị vì tôi chưa có dịp thưởng thức. Thấy tôi có ý thích đọc thơ của chị, chị vội vàng nhờ chị Vân đi photocopy cho chúng tôi hai bản để tặng kỷ niệm gặp gỡ. Chị Vân vừa đưa chúng tôi trở lại văn phòng để photocopy thơ vừa nói sơ sơ thêm về sự sáng tác thơ của chị Thúy Diệp.

Qua hành lang, một bóng người ngồi bất động, hai mắt lạc vào cõi xa xăm nào đó . Hình như không có sự hiện diện của chúng tôi! Chị Vân thấp giọng:

-       Bác này ít nói thường ngồi suy nghĩ như thế.

Tôi đi qua mà vẫn ngoáy đầu lại nhìn . Hình ảnh đơn độc và ánh mắt lạc thần ấy thu hút tôi không rời. Tôi vẫn thường bị sự cô độc lôi cuốn. Tôi yêu cảnh một cây khô trơ lá chơ vơ giữa đồng hoang cô quạnh. Sự cô đơn đó lúc nào cũng làm tôi rung động và xoáy sâu vào trong trí tôi .

Ra đến văn phòng, chị Vân chỉ vào căn phòng trực của các y tá nam nữ đang đổi ca với nhau. Người nào cũng vui vẻ lanh lẹ. Chị Vân giới thiệu một nhân viên kỳ cựu của viện:

-       Cô ấy còn trẻ nhưng kinh nghiệm thâm niên đấy các bồ

Gương mặt chị trông mệt nhọc nhưng vẫn vui tươi vì vừa mới chăm sóc cho một vị cao niên. Chị Hạnh quen biết nên quay sang nói chuyện. Tôi đảo mắt nhìn thấy trong góc phòng đợi có một người đàn ông ngồi trước tivi với chương trình văn nghệ Asia, nhưng mắt thì cứ nhìn về dãy bàn của mấy vị đang chơi lô tô. Chị Vân biết ý nói với tôi:

-       Đây là con trai của một bác trong này . Anh thường vào đây ngồi chờ để được nhìn mẹ mỗi ngày.

Tôi gật đầu chào người con hiếu thảo, vì hoàn cảnh không thể giữ mẹ ở nhà để chăm sóc nhưng cũng không yên lòng khi mẹ một mình trong viện. Thật đáng thương thay cho tình cảnh khó khăn nơi xứ người .

Trong khi chờ đợi photocopy thơ, chị Vân nói thêm về những sinh hoạt trong viện. Ngoài những sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng hay những dịp lễ, Tết, các chị còn tổ chức sinh nhật cho các vị. Chị nói các vị rất cảm động khi biết sinh nhật của mình còn được các chị hoặc con cái nhớ đến. Nhờ vào sự hiểu biết tâm lý và lương tâm nghề nghiệp của các chị mà các vị trong viện cũng như các gia đình con cái bên ngoài đều được hài lòng. Tôi thấy đây là một sự may mắn cho các vị cao niên người Việt tại hải ngoại. Tuy nhiên đây là một viện duy nhất dành cho các vị cao niên Việt Nam tại Melbourne, có thể nói là toàn nước Úc, nên số người nhận vào rất giới hạn. Sự thiếu thốn đã được chính phủ để mắt tới, nên trong tương lai chính phủ sẽ xây thêm ba dãy lầu để phục vụ cho các vị cao niên Việt Nam.

Tôi nói với chị Vân với một lòng cảm mến thật sự:

-       Nhìn cảnh sinh hoạt ở đây em thích ghê. Tuy vắng lặng nhưng đầm ấm . Sinh hoạt như trong một gia đình với sự chăm sóc kỹ lưỡng của nhân viên trong viện làm em có ý tưởng sẽ vào đây  lúc về già. 

-       Chị sẽ vào đây trước.

Chị Vân nói và bật cười lớn vỗ vỗ vào vai của tôi.

Trở về phòng Thi sĩ Bất Hạnh, chị Vân để ý đến ánh sáng không đủ trong phòng. Chị Thúy Diệp nói sẽ có người thay vì chị đã có nhờ. Đợi Thi sĩ ký tên tặng cho tôi và chị Hạnh, tôi nhìn chị Vân thấy chị thật dể thương, hiểu biết ý người và rất tỉ mỉ. Chị Vân nói về chị Thúy Diệp với giọng tế nhị nhưng dí dỏm làm nàng Thi sĩ bẻn lẻn, đôi má đỏ bừng. Tôi đến ngồi trên giường của chị Thúy Diệp coi chị vẽ và đề tặng. Chỉ còn xử dụng được một bàn tay nhưng chị rất kiên nhẫn và có hoa tay. Chị nói thơ của chị là tâm sự của cuộc đời chị, người thân có cũng như không. Tôi nghe mà xót xa thương cảm nên hứa sẽ trở lại để nghe chị tâm sự nhiều hơn và sẽ đến nghe những bài thơ của chị được phổ thành nhạc. Nghe chị Thúy Diệp lập lại lời cám ơn sự viếng thăm làm tôi ra về không cầm lòng. Sự cô đơn của chị, cuộc đời của chị đã làm tôi xao động, ra về trong quyến luyến.

Ra đến xe, tôi buồn buồn nói với chị Hạnh:

-       Suy ra mình còn may mắn hơn nhiều người qúa chị à

Chị Hạnh cười buồn:

-       Sau lưng mỗi người đều có những không may và phiền muộn. Chị Thúy Diệp đã thoát ra được hoàn cảnh chị ấy là điều đáng mừng. Vẫn còn nhiều người còn trong cay đắng mà phải chịu đựng đó em.

Tôi đồng ý với chị Hạnh. Cũng vì tình thế mà có những vị cao niên phải vào viện dưỡng lão làm các vị buồn rầu, nhưng cũng nhờ viện mà chị Thúy Diệp mới có thể thoát ra được hoàn cảnh thương tâm.

Một buổi trong viện dưỡng lão, hiểu biết thêm nhiều và quen biết được một Thi sĩ là một may mắn cho tôi. Sự cô đơn trong mỗi vị trong viện cũng được khỏa lấp nhờ những nhân viên nhân hậu đầy lương tâm nghề nghiệp, đó cũng là niềm an ủi cho các thân nhân có người thân ở trong viện. Tôi sẽ trở lại để thăm các vị và cũng mong mọi người dành chút thời gian để mang lại niềm vui cho các vị trong viện sau khi qúy vị hiểu được sự cô độc của người thiếu tình thân của gia đình.