Nghệ Thuật Nhiếp Ảnh Của Giáo Sư Lê Văn Khoa

Dáng Thơ – Đầu tháng mười một, hai ngàn mười

Nhiếp ảnh cũng như âm nhạc là một nghệ thuật, là cái nhìn và sự cảm nhận của người nghệ sĩ, truyền đạt và gởi gấm ý tưởng của mình vào tác phẩm. Có người khi nghe một bài nhạc hay hoặc nhìn một tác phẩm mỹ thuật đã bị đắm hồn vào, bị cuốn hút, say mê trong thế giới của nghệ thuật đó. Khi nghe nhạc cũng như xem hình nghệ thuật của Giáo sư Lê Văn Khoa tôi cũng không ngọai lệ, bị đắm chìm vào trong thế giới đầy lãng mạn của ông ngay. Một vị Giáo sư đa tài, đa cảm trong âm nhạc cũng như nhiếp ảnh, mang đầy sắc thái quê hương, trữ tình đã đưa đến cho giới yêu nghệ thuật những ngoạn mục bất ngờ. Ở đây tôi chỉ xin viết về nghệ thuật nhiếp ảnh của Giáo sư Lê Văn Khoa.

Thiết nghĩ không cần nhắc đến sự  thành công trong các lần đoạt giải thưởng về nhiếp ảnh của Giáo sư Lê Văn Khoa, chúng ta cũng có thể cảm nhận được tài năng xuất chúng qua các tác phẩm nghệ thuật của ông. Hai tác phẩm “Of Nature in Nature” (tạm dịch “Của Tạo Hóa Trong Thiên Nhiên”) và “Girl Bathing”  (“Thiếu Nữ Tắm Trăng”) trong loạt hình “Do you see what I see” (“Bạn Có Thấy Những Gì Tôi Thấy”), ông chụp trong năm 2003, đã lôi cuốn thị hiếu của tôi, tạo nên một cảm xúc qua những câu thơ sau:

                     Đêm thu nguyệt thẹn khoe hương sắc          
            E ấp bên thềm bóng lả lơi
            Mơn man gió lượn vờn lá trúc
            Ẩn hiện sau mành mái tóc buông
           
Yếm che một nửa thân bạch ngọc
            Lấm tấm trên vai óng ánh ngà
            Lưng ong chờ gió qua ve vuốt
            Chị Hằng nghiêng ngã .. áng mây trôi

                                                                        (Hưởng Nguyệt  – Dáng Thơ)

Không riêng gì tôi, ai cũng thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp, mà vẻ đẹp thường được tượng trưng qua hình ảnh người phụ nữ. Trong hai bức hình, vẻ đẹp thanh thoát từ thân thể ẩn hiện của cô gái khỏa thân đang tắm dưới trăng, đắm mình với thiên nhiên, cùng mây cùng gió quên cả trần gian. Nét đẹp của tạo hóa hay sự tự nhiên trong bản năng con người được Giáo sư Lê Văn Khoa tài tình đưa vào nghệ thuật rất tao nhã, không làm người xem có cảm giác bị gợi dục. Qua cái nhìn nhạy bén, ông đã dẫn chúng ta đến thế giới thần tiên, lạc vào trong cảnh tiên nữ không vướng một chút hồng trần. Ông đã đưa giới thưởng ngoạn vào trong thế giới riêng của ông để san sẻ cảm nhận của chính mình. Ông nói : “Thế kỷ trước tôi dùng hình cô gái hóa thành gỗ đá. Thế kỷ này tôi làm ngược lại, lấy gỗ đá để hiện hình cô gái và vạn vật. Có thể nói đây là "khám phá" mới mà thế giới ảnh còn rất xa lạ.”

Qua những hình chụp thân cây, sự cảm nhận về thiên nhiên của Giáo sư Lê Văn Khoa thật vời vợi. Sự hòa trộn giữa thiên nhiên với chân dung của con người đem lại một cảm giác nhẹ nhàng, tạo kết hợp hai ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc sống bình thường. Ông đã diễn tả cảm giác trong sự lãng mạn, liêu trai bằng cách đưa thế giới trừu tượng vào đời sống thật.  Ông đã dùng photo shop để che (dodge), thui (burn),  tạo thêm màu sắc, ánh sáng và đường nét trong ảnh, biến mờ ảo thành hiện thực, một vật vô tri thành một hình ảnh gợi cảm, đưa ý tưởng độc đáo vào nhiếp ảnh, tạo sắc thái riêng biệt cho nghệ thuật của ông, qủa là một thiên tài hiếm có.

Hình ảnh như ngôn ngữ nói lên cảm xúc của tác giả. Một tác phẩm hoàn mỹ phải thu hút được người xem, tạo nên một ấn tượng mạnh khó quên, dẫn đến tác động tình cảm và truyền đạt được cảm xúc của tác giả đến với người thưởng ngoạn. Giáo sư Lê Văn Khoa đã thành công đưa cảm nhận của mình đến với người xem, đem cái mơ hồ vào cái thật, rất thật.  Sự sáng tạo tuyệt vời của ông là dùng sức tưởng tượng phong phú để dẫn dắt giới thưởng ngoạn đi vào đời sống trên các thân cây. Tuy mỗi người trong chúng ta đều có sự tưởng tượng và lãng mạn, nhưng sức tưởng tượng của Giáo sư Lê Văn Khoa đã đi ra khỏi tầm bình thường . Nhìn vào một thân cây xù xì, vô tri vô giác mà thấy được sự sống trên đó và dùng nghệ thuật nhiếp ảnh để phơi bày sự thật qua cảm giác của ông, đem đến cho giới thưởng ngoạn những điều vô cùng lý thú, thật đáng ngưỡng mộ.

Theo như Giáo sư Lê Văn Khoa nói “máy hình chỉ là một dụng cụ, nhìn thấy được gì để chụp mới là điều quan trọng”. Ông chưa hề sử dụng một máy hình nào đắt tiền, chỉ dùng máy tầm thường để chụp hình, và ông đã chụp bằng mắt nhìn với con tim của ông . Đúng vậy, để có một tấm hình đẹp phải nhờ vào cách nhìn, sự cảm nhận từ một góc độ riêng biệt của nhà nhiếp ảnh. Cảm xúc thẩm mỹ phải được toát  ra từ nội dung đến hình thức của tác phẩm nghệ thuật. Từ một góc nhìn trẻ trung tràn đầy nhựa sống ông nhận ra được cái đẹp trong cái tầm thường, thậm chí trong cái gồ ghề, thô thiển của thân cây.  Bằng sức tưởng tượng thiên phú và với tất cả tâm tư ông đã thể hiện được nội dung và ý nghĩa bức hình, lôi cuốn người xem. Đây là một sự sáng tạo tuyệt vời và là một khám phá mới mẻ đối với thế giới ảnh nghệ thuật như ông đã nói.

Với tôi, đặc tính và thành công trong nhiếp ảnh của Giáo sư Lê Văn Khoa là đơn giản ghi nhận lại những sự việc chung quanh mình qua thế giới muôn màu muôn sắc, chứa đựng đầy bí ẩn, đa dạng bằng ống kiếng sáng tạo của xúc cảm và sự quan sát tinh tế để nói lên tình cảm, nổi niềm của ông giữa thời đại với cuộc sống nhân lọai và của vũ trụ vô tận này. Ông đã đưa cái nhìn thấu đáo vào nghệ thuật, tạo giao cảm với người xem qua ý nghĩa và nội dung trong tác phẩm. Điểm nổi bật của sự sáng tạo nghệ thuật chính là sự tận tụy của ông, đi tìm cái đẹp ẩn núp dưới những hình thức rất bình thường của thiên nhiên, đem cái tầm thường tạo ra phi thường.

Khi chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của Giáo sư Lê Văn Khoa hay lắng nghe tâm tư của ông qua âm nhạc, tôi thầm cám ơn và nể phục người nghệ sĩ tài hoa nhưng không thiếu phần mô phạm của một nhà giáo, đã vun sới và để lại cho đời những giá trị tư tưởng và đạo đức của nghệ thuật.