Nghệ Sĩ Tài Năng Đa Dạng: Trường Kỳ

Mỗi lần mở cuốn báo Tivi Tuần San ra là tôi lại nhớ đến Nghệ Sĩ Trường Kỳ. Hơn một năm độc giả báo Tivi Tuần San tại Melbourne, Úc Châu không còn được đọc mục “Nghệ Sĩ Và Đời Sống” hoặc “Sổ Tay Trường Kỳ” của anh nữa. Anh mất đi khi đang còn hăng say góp sức rất nhiều trong công tác Văn Học, Nghệ Thuật và vẫn còn trẻ so với thời đại ngày nay, để lại sự thương tiếc khôn nguôi, không những chỉ của gia đình, bạn bè và người thân của anh mà còn nhiều độc giả Tivi Tuần San và độc giả khắp nơi mến mộ anh. Một mất mác lớn lao trong tinh thần của những người yêu thích lối viết văn trung thực, ngắn gọn, xúc tích và đầy dí dỏm của anh.

Tôi được nghe những bài nhạc dịch của Nghệ Sĩ Trường Kỳ sau năm 1975, khi người anh lớn của tôi bắt đầu vào tuổi thành niên. Không biết anh tôi lén mua được ở đâu dàn máy hát cồng kềnh và những cuốn dĩa nhạc to tròn mang về để trong phòng kín phía sau chứ không dám chưng trong phòng khách như những nhà khác. Mỗi lần các anh chị tôi rủ nhau nghe nhạc là khép cửa kín mít và say sưa thưởng thức, có khi còn nhịp nhịp theo điệu nhạc nữa. Tôi ngưỡng mộ và thích theo các anh chị nghe nhạc lắm dù chưa hiểu gì về âm điệu và thường hay mon men lại gần để nhìn hai cái dĩa xoay xoay màu trắng trong, cuộn cái dãi màu nâu nâu từ dĩa này qua dĩa kia rất lôi cuốn. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để tìm hiểu loại nhạc gì hay tác giả là ai, chỉ nghe anh và chị bàn nhau về nhạc trẻ.  Cho đến sau này sống tại Úc, nghe nhạc từ các tape nhỏ, rồi đến CD, đọc từ báo chí và các websites tôi mới biết được những lời bài nhạc Việt mình đã từng nghe và ngân nga theo là của Nghệ Sĩ Trường Kỳ chuyển dịch như bài “Khi ta hai mươi”, “Tình yêu trong đời”, v.v…

Danh hiệu “Vua Nhạc Trẻ” dành cho Nghệ Sĩ Trường Kỳ quả không ngoa, vì chính anh là người phát minh ra danh từ Nhạc Trẻ và cũng là người đầu tiên sáng lập phong trào nhạc trẻ tại Việt Nam. Chẳng những thế anh còn khuấy động việc chuyển dịch nhạc ngoại quốc ra lời Việt (1). Thật ra nếu so sánh lời bài nhạc Ngoại quốc với lời Việt do Trường Kỳ viết, thì không thể gọi là chuyển dịch, mà anh đã viết lại lời nhạc dựa trên vài ý chính của bài nhạc, có khi hoàn toàn khác ý nữa . Như bài “Khi ta hai mươi”, lời Trường Kỳ viết hoàn toàn khác với bài nhạc “All I have to do is dream” của The Everly Brothers, và bài “Tình yêu trong đời” với bài “Sealed with a kiss” của Brian Hyland thì lời cũng khác hẳn với nhau.

Thường thường khi đọc hay nghe một tác phẩm, chúng ta có thể đoán và hiểu một phần nào cá tính cũng như tư tưởng của tác giả. Khi nghe những lời nhạc Việt của Trường Kỳ hay đọc những bài viết và thơ của anh, chúng ta cũng thấy được một tâm hồn yêu đời, lạc quan quyện lẫn lãng mạn trong Nghệ Sĩ Trường Kỳ:

Khi ta hai mươi, ta yêu gió, yêu mây xa xôi,
Ta yêu sông nước mênh mông muôn nơi..
(Khi ta hai mươi – Trường Kỳ)

Ít khi tìm thấy sự đau khổ, nhớ nhung quay quắt hay quá buồn phiền vướng vất trên bài viết hay lời nhạc của anh, dù là một mối sầu hiu quạnh nhưng cũng chỉ thoáng nhẹ nhàng, đủ thấm thía, đủ nhớ thương từ tác giả:

Giữa buổi xuân về tôi nhớ em
Bóng ai nhặt lá chắp bên thềm
Mối sầu hiu quạnh buồn xa vắng
Gửi én đem về xuân nhớ em
(Trích thơ  Xuân nhớ em  – Trường Kỳ)

Đây là một đặc điểm đáng quý của Nghệ Sĩ Trường Kỳ. Anh luôn luôn chấp nhận những thay đổi trong cuộc đời bằng vui thú với hiện tại:

Còn mấy lúc như ngày hôm nay
Đời hết nghĩa nếu không tình yêu
Rồi sẽ đến lúc ta cùng chia tay
Yêu nhau đi, không buồn không tiếc!
(Tình yêu trong đời – Trường Kỳ)

Càng thú vị hơn khi chúng ta đọc những bài viết về ẩm thực của Nghệ Sĩ Trường Kỳ qua bài “Cali đớp hít”. Nghệ Sĩ Trường Kỳ đã tự giới thiệu mình với tính thích “Đớp hít” nên mới “khởi đầu Tạp Ghi bằng màn Đớp hít”. Lối hành văn dí dỏm bằng những từ trong ngoặc kép nghe là lạ nhưng vui tai và hấp dẫn, Trường Kỳ đã mang đến cho các độc giả một sự thú vị, lôi cuốn và cảm giác ngon theo với tác giả mặc dù chưa được thử món ăn mà anh diễn tả:

“Da gà thì vàng ngậy, thịt thì dai và thơm phức; những miếng dồi heo ôi sao mà mượt mà, mướt mát quá sức, thêm một tí ngò gai và húng quế thì... quên chết.”

Chỉ cần đọc đoạn anh viết tả về món huyết cũng làm cho độc giả muốn đi tìm tới ngay nơi anh quảng cáo để thưởng thức món mà anh gọi là “ngon đáo để” và “không đối thủ” “nước tiết có từ những miếng thịt tái khi cắt, chan nước lèo thật sôi để làm chín, quyện vào nhau thành từng khối sền sệt nóng hổi, ngon đáo để và một chén hành tây cắt nhỏ, pha dấm để sau đó chế thêm tương ớt đỏ để ăn đệm với phở tạo nên một sự hài hòa... không đối thủ!”

Những từ ngữ Nghệ Sĩ Trường Kỳ dùng rất mạnh mẽ và chính xác mà ít người xử dụng trong bài viết. Diễn tả một món ăn và cách ăn thế nào để độc giả chưa ăn mà có thể “thèm chảy nước miếng” thì thật là khó, bởi vậy như anh tự xác nhận anh là một người thích ăn uống và anh thật sự là người có năng khiếu viết về ẩm thực.

Trong mục “Nghệ Sĩ và Đời Sống”, Nghệ Sĩ Trường Kỳ đã trung thực và chi tiết trình bày tất cả về đời sống cũng như những sinh hoạt của từng Nghệ Sĩ. Từ đó chúng ta có thể thấy được anh là một người giao thiệp rộng rãi và được nhiều sự yêu mến từ các giới Văn Học, Nghệ Thuật. Anh đã viết rất nhiều bài viết về các Nghệ Sĩ cũ và mới để đưa các Nghệ Sĩ đến gần với độc giả hơn, đây là một công lao rất lớn và một công việc khó khăn, mất nhiều thời gian cùng tâm trí để hoàn thành. 

Nghệ Sĩ Trường Kỳ là một người đa tài và đầy nhiệt huyết. Từ thuở ban sơ bắt đầu phong trào nhạc trẻ, cho đến viết lời nhạc trẻ, viết báo, truyện phim, anh đã góp phần vào mọi mặt của nền Văn Học và Nghệ Thuật Việt Nam. Tuy anh qua đời bất ngờ để lại những thương tiếc cho gia đình, bạn bè và độc giả khắp nơi, nhưng sự đóng góp của anh trong nền Văn Học và Nghệ Thuật Việt Nam là một công trình to lớn và quý báu. Từ nay cho đến ngàn đời sau, sự biết ơn và tình cảm của mọi người đối với anh vĩnh viễn không bao giờ phai lãng.

Tôi xin mượn bài viết này để tỏ lòng quý trọng những tài năng, việc làm của Nghệ Sĩ Trường Kỳ với nền Văn Học và Nghệ Thuật Việt Nam nói chung và tuổi trẻ cùng với các Nghệ Sĩ nói riêng, và cũng như là một chia sẻ với gia đình Nghệ Sĩ Trường Kỳ những đau đớn, phiền muộn khi mất đi một người thân yêu nhất trong cuộc đời. Xin cầu chúc cho gia đình anh Trường Kỳ tìm lại sự bình an trong tâm hồn khi đọc những tình cảm của quý thân hữu dành cho anh. Xin trân trọng giã biệt Nghệ Sĩ Trường Kỳ, một người Nghệ Sĩ đáng kính đã mở đầu cho nền nhạc trẻ và đã dốc hết cuộc đời cho nền Văn Học và Nghệ Thuật Việt Nam.