Về Lại Adelaide

Dáng Thơ - Tháng 4, 2010
Lần nào về lại Adelaide, khi máy bay xuống từ từ xuyên qua tầng mây trắng xóa như bông, thành phố hiện ra vuông vức, mờ mờ rồi rõ dần là lòng tôi nao nao cảm xúc. Không phải chỉ vì sắp gặp lại gia đình thân yêu mà còn có cái cảm giác trở về quê hương bừng bừng sống dậy. Một cảm giác lạ lùng như của người tha hương trở về nơi chôn nhau cắt rún của mình. Có một cái gì đó rất gần gũi, rất thân thương, rất xao xuyến khi trở về Adelaide, dù tạm cư nhiều nơi, dù đi đến nơi đâu, cảm giác cũng không trào dâng như thế. Thật vậy vì trong tim tôi Adelaide là quê hương thứ hai của tôi.
Thành phố Adelaide vào sáng sớm thật trong lành và yên tĩnh. Không khí tươi mát và êm ả, làm hồn tôi lâng lâng. Không có những tiếng còi xe bóp inh ỏi, không có những cụm khói đen kịt, khó thở thải ra từ những chiếc xe nhích nhích chạy đằng trước, Adelaide rất thích hợp cho những người muốn nghỉ ngơi và viết lách. Mặc dù đúng vào giờ đi làm việc nhưng đường xá không kẹt xe nối đuôi nhau như ở Melbourne nên đầu óc nhẹ nhàng và thảnh thơi, người lái xe đỡ căng thẳng, cũng như tai nạn ít xảy ra hơn. Tôi nhìn bầu trời trong vắt, lãng đãng vài cụm mây như một tấm thảm xanh điểm bông trắng trang nhã, nghe em gái tôi vừa lái xe vừa than dạo này Adelaide cũng kẹt xe mà buồn cười. So với Melbourne, Adelaide không có những đường “free way” bắt ngang dọc từ vùng này qua vùng khác mà nạn kẹt xe cũng không đến nỗi trầm trọng, như vậy cũng là một hạnh phúc cho những người lái xe đi làm.
Từng con đường quen thuộc hiện dần, từng khu phố đi qua vẫn không thay đổi. Tôi nghe thương từng con đường, từng kỷ niệm ngày nào hai chị em đứng run rẩy đón xe buýt đi học trong chiếc áo len mỏng không đủ ấm. Mới đó mà đã ba mươi năm, con người, đời sống thay đổi mà cảnh vật không hề đổi thay. Tất cả kỷ niệm như khúc phim quay lại trong trí của tôi nghe rưng rức. Tôi lan man nhớ những kỷ niệm khi qua mỗi con đường, chợt choàng tỉnh khi em tôi hỏi:
-       Thúy còn nhớ đường nhiều không ?
-       Làm sao quên được Hương. Thúy ở đây hai mươi hai năm, còn đi mới tám năm mà.
Tôi trả lời đầy tự tin. Thế mà năm trước nữa tôi đã đi lộn khúc đường trùng tên nhưng khác vùng khi người bạn hẹn đi ăn trưa vì ỷ y cái tên đường quá quen thuộc, tôi vẫn cười thầm mỗi khi nhớ đến.
-       Long cũng vậy đó Thúy, đi mười năm rồi mà lúc về lái xe cũng không quên đường.
Em gái tôi kể tiếp về những người bạn ngày xưa. Hai chị em tôi cùng học chung trường và chơi chung một nhóm bạn vì vậy rất thân và xưng hô với nhau như bạn. Tôi đồng ý:
-       Ừ, hình như tất cả đã nằm trong tiềm thức cho nên dù xa, dù không nghĩ đến, khi về lại vẫn còn nhớ như in.
Xe chạy vào thành phố, vài con đường nới rộng ra hơn trước một chút nhưng hai bên nhà và shops vẫn vậy, vẫn im lìm yên tĩnh. Những người quen của tôi, Úc hay Việt, cũng đều than phiền phố xá Adelaide sao mà vắng tênh. Nhưng sao tôi yêu cái khung cảnh này qúa, nó êm đềm, mộc mạc như một thiếu nữ vùng thôn dã, không tô son điểm phấn che lấp những nét hồn nhiên.
Đưa em tôi đến chổ làm, tôi lái xe về nhà ba mẹ tôi. Ngang qua trường Đại học Adelaide, giòng sông vẫn lững lờ trôi như chờ con đò về ngang qua. Đầu thu lá chưa ngả màu để vàng rực cả con đường. Hai hàng cây chụm đầu lại thì thầm như muôn thuở, tôi ngước nhìn mà nghe thương thật thương. Không biết “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, con đường đi ngang qua trường Luật của Phạm Duy có lá phủ dài hay thơ mộng như đường “Frome” giữa hai trường Đại học Adelaide và Nam Úc không, chứ trong tôi con đường này quá đẹp, quá nên thơ. Giống như những nàng thiếu nữ xỏa tóc bên giòng suối, chụm đầu khúc khích kể chuyện cho nhau nghe, có những hạt nắng xuyên qua cành lá nhẹ nhàng như ánh trăng lướt trên làn tóc mềm buông xỏa, rơi rớt lấp lánh. Lúc còn đi học, tôi vẫn thường thơ thẩn lúc trời mưa hay nắng gắt, thả bộ dọc theo con đường để bắt những giọt nắng, ôm vào lòng bàn tay hay hứng những hạt mưa hiếm hoi xuyên qua kẻ lá để nghe tim òa vỡ hạnh phúc. Rồi những chiều thu, tôi thích đi nhặt vài chiếc lá vàng và dẫm lên trên rừng lá để nghe xào xạt dưới chân, để hát lên nho nhỏ bài Tiếng Thu của Lê Thương, thơ Lưu Trọng Lư và thả hồn theo mây trời cho quên đi những căng thẳng trong các giờ học.
Bao nhiêu năm rồi, những chiếc lá còn đâu đó trong những cuốn sách nằm trong các thùng mà tôi không nỡ bỏ đi khi di chuyển, có thổn thức nhớ hàng cây như tôi đang rưng rưng cảm xúc mỗi lần đi lại con đường của thời sinh viên. Đã đi qua bao con đường rợp lá đẹp không kém của các tiểu bang khác nhưng sao tôi vẫn không yêu được những hình ảnh mới đó, hình như nó thiếu cái cổ kính, khép nép của các thiếu nữ đài các. Hàng cây nghiêng mình như dáng các nàng lả lướt soi gương, sao mà đáng yêu và khó quên đến thế.
Khu nhà ba mẹ tôi ở giờ mọc lên thật nhiều nhà mới nhưng đường xá vẫn vắng tanh. Hồ cá trước sân nhà cũ của tôi vẫn còn đó, cây thông nghiêng mình bên hồ sao nghe thẩn thờ . Rừng thông trước mặt nhà giờ không còn vết tích, chỉ thấy nhà nhà chen chúc, san sát nhau. Người xưa trở về trong cảnh cũ hoang tàn trong thi văn không có giống như cảnh tôi trở về mà sao tôi vẫn cảm thấy canh cánh một nỗi lòng. Nhìn tóc ba mẹ mỗi ngày mỗi bạc mà tôi xót xa . Cứ mỗi lần về thăm, nhìn ba mẹ như thế tôi lại không muốn đi, cũng như không muốn rời Adelaide đã theo tôi từ lúc bắt đầu biết mộng mơ.
Adelaide tôi đó, một vùng đơn sơ, hiền lành và mộc mạc. Không có một ngày bốn mùa, không có những rực rỡ của thị thành, không có những tiện nghi phố xá nhưng sao trong tôi vẫn đậm đà, tha thiết như một người tình trong mộng tưởng. Adelaide của những người quê mùa như tôi, mà bạn tôi hay ví tôi lúc lên Sydney làm việc là con chuột đồng quê lên thành thị, nhưng sao tôi vẫn yêu quá đi cái quê mùa của Adelaide và chẳng bao giờ quên được, cũng như chưa bao giờ mất đi cảm giác trở lại quê hương khi về lại Adelaide.