Sự Sáng Tạo Trong Nhạc Kim Vân Kiều Của Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện


                            Dáng Thơ - Tháng 6, 2011

Thi phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, gọi tắt là Truyện Kiều, của Đại Thi Hào Nguyễn Du cũng như nàng Kiều đã trải qua bao thăng trầm, bình phẩm khen chê. Và cuối cùng cũng phải được công nhận đây là một kiệt tác viết theo thể thơ lục bát, một truyện thơ rất gần gũi với với mọi giới, từ trẻ tới già, từ trí thức đến bình dân. Không những lời thơ phong phú với nội dung sâu sắc, có tính cách giáo dục mà giá trị nghệ thuật cũng không kém về cách sử dụng điển tích.

Từ sự phong phú và đa dạng, Truyện Kiều đã được ngâm nga, được đem vào bói Kiều, đố Kiều, vịnh Kiều, v.v.., và bây giờ lại được Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện, một người có tâm hồn rất nghệ sĩ, đã đồng cảm với Thi Hào Nguyễn Du qua “cuộc bể dâu” và cùng tâm trạng “sống nhờ đất khách thác chôn quê người”, đem phổ thành nhạc với 77 bài hát cũng đa dạng, kết hợp bằng những thể điệu Đông Tây.

Nếu ai đã nhìn thấy Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện biểu diễn đàn guitar thì mới thấy được sự đam mê, sáng tạo và kiên nhẫn của anh lúc đàn hay lúc phổ nhạc từ Truyện Kiều. Mỗi ngón tay chạy trên phím đàn, mỗi động tác cầm đàn là lúc  anh thả hồn vào qua từng giai điệu và tâm tư của anh hòa vào trong từng lời nhạc, ý thơ. Anh đã lột tả tâm trạng buồn, vui, ray rức của Kiều lồng trong thơ Nguyễn Du bằng từng nốt nhạc lúc u uẩn, lúc véo von, lúc như than như thở làm cho người nghe bị lôi cuốn, đắm chìm trong từng ca khúc.

Như Thi Hào Nguyễn Du, Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện phóng tác Truyện Kiều theo một phong thái đặc biệt  và đó cũng là cái lạ nhất mà ít khi tìm thấy trong các loại nhạc phổ từ thơ Việt Nam, anh đã dùng các thể điệu như Samba, Salsa, Lambada, v.v.. để đưa ý thơ thoát ra khỏi vòng luật lệ của thể thơ lục bát, tránh đi sự nhàm chán khi phổ một loạt 77 bài nhạc từ 3254 câu thơ. Và đặc biệt hơn nữa là Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện đã chọn lọc từng giọng hát thích hợp cho từng ca khúc trước khi phổ nhạc, như thế không những đẩy được giọng hát nổi bật mà còn chuyên chở hết tất cả những tâm tư của Nguyễn Du qua từng lời ca, điệu nhạc khi ca sĩ trình bày.

Một người cũng từng trải qua bao gian nan, khó khăn trên đất người như khi nàng Kiều bị bán đi xứ lạ, Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện đã thấm được nổi buồn xa xứ, xót xa cho thân phận mình như Thi Hào Nguyễn Du cũng đã từng thương xót cho thân phận nàng Kiều. Từ cảm thông đó, cảm xúc được hình thành và tác phẩm được ra đời. Có phải đây cũng như là một tâm tư, một nổi niềm chung được nói lên qua  nhạc, mà Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện đã mượn truyện thơ của Nguyễn Du để bày tỏ tâm tình, như Thi Hào Nguyễn Du đã mượn cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân để nói lên thân phận của mình qua những cảnh đời bất hạnh?

Hai trăm năm qua, Truyện Kiều đã phổ biến rộng rãi trong đời sống và trong Văn Học Việt Nam. Tuy nhiên khi được phổ thành nhạc thì sẽ dễ nhớ, dễ hiểu và dễ đi vào lòng người qua những âm điệu, tiết tấu. Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện quả đã thành công vượt bực khi đem thơ Truyện Kiều vào âm nhạc. Sự sáng tạo của anh đã tạo một sự dễ dàng cho tuổi trẻ trong học đường khi nghe Truyện Kiều, họ không còn cảm thấy nhàm chán, không còn cảm thấy khó nhớ khi phải ê a các vần thơ lục bát. Nhạc Kim Vân Kiều của Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện là một tác phẩm đáng được đề cao và là một đóng góp giá trị cho nền Văn Học Việt Nam, giống như kiệt tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của Thi Hào Nguyễn Du trong bao năm qua đã được nhận là một bảo tàng vô giá của Văn Học Việt Nam.

Một điều khác mà Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện cũng giống như Thi Hào Nguyễn Du, là được Hàn Lâm Viện Âu Châu nhận ra được giá trị của tác phẩm. Truyện Kiều được Hàn Lâm Viện Âu Châu công nhận là di sản Văn Hóa, còn Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện được mời vào làm thành viên của Hàn Lâm Viện Âu Châu sau khi tác phẩm nhạc Kim Vân Kiều của anh ra mắt. Hình như đây là một cơ duyên, một mối dây liên hệ được định sẳn cho hai tác giả: “Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không ?”

“Qua cơn bỉ cực đến hồi thái lai”, quả vậy Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện qua bao nhiêu chông gai, nếm bao nhiêu mật đắng trong cuộc đời. Bương chải trong cuộc sống nơi đất khách quê người, cũng đã gắng vượt qua. Như nàng Kiều trong thơ Nguyễn Du, nàng đã ngậm đắng nuốt cay. Trôi nổi, chịu đựng biết bao nhục nhằn cay đắng. Rồi cũng đến lúc được bù đắp lại, hạnh phúc lại về trong cuộc đời còn lại. Hình ảnh cuộc đời, sự nhịn nhục của Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện nào có khác Thúy Kiều là bao. Có lẽ đây là một mấu chốt đồng tình, nhịp ý đã đưa tuyệt tác phẩm Kim Vân Kiều của Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện đạt đến cảm xúc tột đỉnh.

Ngoài năng khiếu và sự sáng tạo trong lối phổ nhạc từ thơ Truyện Kiều, Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện còn là người đam mê, thích học hỏi sử dụng các nhạc cụ Âu Á. Sự kết hợp tài tình giữa các nền Văn Hóa khác nhau, các nhạc cụ khác nhau đã làm nổi bật giòng nhạc của anh. Và hơn thế nữa, trong một bản nhạc, anh đã chuyển từ một thể điệu này qua một thể điệu khác rất hài hòa, làm cho người nghe thêm phần thích thú.

Riêng cá tính điềm đạm, lịch thiệp nhưng rất dí dỏm và đầy lạc quan của Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện cũng đã góp phần thành công vào việc sáng tác của anh rất nhiều. Bằng chứng qua các bài nhạc anh phổ, anh đã đưa các thể điệu rock, lambada vào để làm rõ ý hơn từng đoạn thơ mà Thi Hào Nguyễn Du diển tả.

Qua những ngày được may mắn bôn ba với Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện, chị Thanh Vân, anh Việt Hải, anh Tạ Xuân Thạc, chị Kim Anh, anh Tiên và chị Thái trong dịp Kỷ Niệm Đệ Ngũ Chu Niên của Văn Đàn Đồng Tâm và Hội Ngộ Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ trên toàn thế giới tại San Diego, Orange County, San Jose va Houston, tôi đã được thưởng thức nhạc và nghe anh Quách Vĩnh Thiện nói nhiều về những sáng tác của anh. Và qua những câu chuyện tếu lâm do anh kể, rất thú vị và sâu sắc, tôi nhận ra được cái hay trong nhạc của anh là phát xuất từ cái đẹp của tâm hồn anh.

Sự thiết tha, đam mê sáng tác để duy trì Văn Hóa Việt tại hải ngoại của anh là điều tôi quý mến nhất. Tôi thầm cám ơn sự sáng tạo, lòng kiên nhẫn và sự đam mê của anh đã tạo sự dễ dàng cho mọi người đến với Truyện Kiều, đóng góp một tuyệt tác cho nhân loại và đã làm cho người Việt hãnh diện về anh.