Ngôi Làng Việt Nam

Dáng Thơ – Xuân Canh Dần
Đi dưới cơn mưa phùn trong tiết Xuân lành lạnh, từng hạt bay bay lất phất làm hồn người viễn xứ bâng khuâng. Khung cảnh gợi nhớ quê hương, nhớ ơi là nhớ những ngày tưng bừng, nôn nao đón Tết của một thời thơ ấu đã xa và tưởng chừng như không thể tìm lại được. Thế mà Làng Việt Nam tại Sandown, Springvale ở Tiểu Bang Victoria được giàn dựng công phu tại Hội Chợ Tết đã làm tôi sống lại khoảnh khắc của thời tung tăng trong tà áo mới của ba ngày Tết.

Cây mai vàng khép nép điểm những nét đỏ rực rỡ của các bao lì xì treo đong đưa đập vào mắt là cảm giác đầu tiên làm tôi xôn xao, niềm vui òa vỡ. Tà áo dài của tôi hình như cũng vui lây, rộn ràng quấn quýt lấy đôi chân tôi, hân hoan đón chào một năm Canh Dần mới sang. Tôi nhìn Kim Hoa và các em bé rạng rỡ hái lộc đầu năm mà tưởng như đang đón Xuân ngay trên xứ sở, quê hương Việt Nam của mình. Chiếc đồng tiền trong sợi dây tơ màu đỏ mang lại may mắn cho ngày đầu năm thật ý nghĩa trong bao lì xì màu đỏ tươi, kèm thêm một lá quẻ đượm màu sắc của ngày Tết làm chúng tôi nao nao.

Đây là cây cầu tre lắc lẻo, bắc ngang giòng sông không tay vịn. Hình ảnh cô thôn nữ tay ôm thúng đi chợ băng ngang qua cây cầu, ung dung nhẹ nhàng như đi trên đất liền. Ôi hình ảnh quê hương đã ăn sâu trong tiềm thức vội sống dậy, chợt bùng phát. Tiếng cười vỡ tan bầu yên tĩnh của tôi và Kim Hoa làm cây cầu đong đưa như hòa theo làm bước chân của Kim Hoa nghiêng nghiêng bước vội qua cây cầu.

Ngôi chòi lá kia rồi, những nải chuối xanh xanh, vàng vàng treo lủng lẳng trên chắn ngang của chòi làm nổi bật mái lá tranh nghèo nàn của quán trà ven sông, nơi dừng chân của khách lai vãng và người trong xóm ghé ngang.
“Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau”
                                    (Ca dao)
Quê hương tôi đó, hình ảnh người mẹ hiền mang dáng dấp quê hương, ngọt lịm như mía lau, thơm lừng như chuối ba hương vẫn mãi là hình ảnh bất hủ trong tim của mỗi người Việt Nam.
“Ầu ơ .. Gió đưa bụi chuối sau hè ..”
Nhìn bụi chuối sau hè mơn man cành lá xanh mướt, chợt như có tiếng ai đang hò câu ca dao, mà hầu như người mẹ Việt Nam nào cũng thường nằm trên chiếc võng đong đưa ru con trong những giấc ngủ trưa, nghe tha thiết, nức nở đầy trách móc người đàn ông bạc tình. Cây cầu ván bắc ven ao, điểm những bụi rau, những cây ớt đủ màu, đủ loại bên cạnh mấy trái dưa khô lăn lóc đưa khách thưởng ngoạn nhớ về rau đắng nấu canh trong bài dân ca bất hủ của Nhạc Sĩ Bắc Sơn, Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè.

Chiếc bàn gỗ bên những chiếc ghế đơn sơ, dáng chàng thanh niên ngồi, dựng bên cạnh là  chiếc cuốc vừa mới đi làm đồng về, ghé ngang uống chén chè xanh. Cô chủ quán trong chiếc áo bà ba xinh xắn bận rộn bên bếp hồng dưới đôi má đỏ bừng làm ngây ngất các chàng thanh niên trong xóm. Chiếc nón lá ai kia móc trên đôi quang gánh bên ụ rơm cao ngút làm chạnh lòng thương nhớ quê hương.

Kia là hồ sen, từng búp non nhú lên khoe màu trắng tinh khôi bên cạnh những đài sen xanh mướt. Bốn câu ca dao chợt ùa đến làm tôi ngẩn ngơ chiêm ngưỡng từng cánh sen thanh khiết mà hồn nghe lãng đãng:
“Trong đầm gì đẹp bằng Sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Chiếc lu con móc thêm chiếc gáo dừa làm tôi lại như đi lạc vào vào một miền quê của chính quê hương mình. Chợt nhớ đến người dân miền Nam hiền hòa,  chất phát và hiếu khách. Nhà nào cũng để một lu nước cho khách lai vãng dừng chân giải khát khi lỡ đường.

Đi sâu vào làng, ngôi nhà thờ tổ Hùng Vương và các chư vị có công vì đất nước sừng sững nghiêm trang, khói hương nghi ngút. Đây là đài liệt sĩ, tưởng niệm các anh hùng Vị Quốc Vong Thân bên lá cờ vàng ba sọc đỏ uy nghiêm. Bên cạnh là bàn thờ các anh hùng xứ Úc đã hy sinh vì đại nghĩa dân tộc có hai vị lính trẻ tuổi ôm súng đứng hai bên. Tôi kính cẩn nghiêng mình bái trước bàn thờ Tổ Quốc mà lòng chợt chùng xuống, bùi ngùi nghĩ đến tình trạng đất nước hiện nay.

Các dĩa trái cây được xếp thành hình Long Phụng thật kỳ công, quả là một sáng kiến tuyệt vời và đẹp mắt. Từng cành hoa, quả trái được chưng bày theo mỗi kiểu cách khác nhau tô điểm thêm màu sắc cảnh vật chung quanh làm lòng người thêm bồi hồi, xúc động.

Xa xa là những khóm trúc, cây dừa, chậu kiểng Việt Nam, kiểng Nhật được sắp xếp thật thẩm mỹ. Những hình ảnh, những ghi chú làm tăng thên giá trị của ngôi làng Việt Nam trên xứ người.

Ô kìa, chiếc đồn canh bên rừng mai khoe sắc, báo hiệu mùa Xuân về:
“Đồn anh đóng bên rừng mai
Nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa”
                        (Trích từ Đồn Vắng Chiều Xuân – Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh)
Thương thật là thương, những người lính xa nhà, vì tình quê hương, nước non mà quên tình riêng và quên cả mùa Xuân. Nếu đồn anh không đóng bên rừng mai thì Xuân trôi lặng lẽ nào anh có hay.
“Lạy mẹ con đi, ôm ấp linh hồn Việt Nam
Lạy mẹ con đi, nối theo chí hùng ngàn năm
Vắng con mẹ buồn
Là bởi ý khiên khơi nguồn
Nhưng còn gì hơn, tình nước vướng trong tình con”
                        (Trích từ Lạy Mẹ Con Đi – Nhạc Sĩ Anh Bằng)
Vâng, tình nước non lúc nào cũng canh cánh trong lòng khi quê hương tràn ngập trong khói lửa chiến tranh. Ý thức người thanh niên yêu nước lúc nào cũng đứng trước tình cảm gia đình và tình yêu trai gái.
Nước mắt tôi chực trào khi hình ảnh chiếc thuyền vượt biên sừng sững hiện ra trong tầm mắt. Dù đã bao nhiêu năm, dù ý thức lúc ra đi chỉ mơ hồ, nhưng kỷ niệm sống chết trên biển khơi chợt ào ào cuốn về như giòng thác. Những đêm mưa dầm, phơi sương, những ngày hong nắng trên bong tàu. Những lời nguyện lâm râm từ đôi môi khô, mấp máy của mẹ khi trời nổi cơn giông bão:
“Thuyền mong manh ôi đời lênh đênh
Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ
Lời kinh cầu từng ngày quen thuộc
Lời mẹ buồn giữa tiếng nam mô

Thuyền trôi xa về đâu ai biết
Thuyền có về ghé bến tự do
Trời cao xanh hay trời oan nghiệt
Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ”
                        (Trích Lời Kinh Đêm – Nhạc Sĩ Việt Dũng)

Không, trời không làm ngơ, trời đã thấu tiếng kinh cầu của mẹ tôi, đã đưa chúng tôi đến bến bờ tự do, vượt qua hiểm nguy, giông tố. Ba mươi năm nhìn lại chiếc thuyền đã đưa nhiều người đến bến tự do và cũng đã vùi dập không biết bao nhiêu người trong lòng biển, tôi vẫn còn nghe xót xa, cay đắng cho người Việt Nam và hai chữ Tự Do.
Một ngôi làng Việt Nam, ôi nghe sao thân thương, nghe nhỏ bé, nhưng bao trùm cả một hành trình, một quảng đời, một kỷ niệm. Quê hương ẩn hiện, quê hương sống dậy trong một khuôn viên được giàn dựng bởi những bàn tay, những khối óc đầy nhiệt huyết và tuyệt hảo. Cám ơn người, cám ơn những tri thức đã mang lại cho người Việt viễn xứ cả một quảng đời chất chứa hình ảnh quê hương ngọt lịm trong tim.